HQ5
và Hải chiến Hoàng Sa 1974 |
Trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 đánh Trung Quốc, Hải Quân VNCH có 4 chiến hạm tham dự là HQ4, HQ5, HQ10 và HQ16. Trên các chiến hạm này có các sĩ quan thuộc Khóa 24 Nha Trang, cấp bậc HQ/Thiếu úy, đang phục vụ: - HQ4 có Nguyễn phúc Xá - HQ5 có Phan công Minh và Nguyễn văn Quý. - HQ10 có Vũ đình Huân và Phạm thế Hùng. - HQ16 có Huỳnh đắc Lộc. Xin gửi đến quý vị một bài đúc kết buổi chuyện trò với anh Nguyễn văn Quý, là cựu HQ/Thiếu úy trên HQ5, về những gì liên quan đến trận hải chiến mà anh đã mắt thấy tai nghe. Bài do người bạn cùng khóa 24 Nguyễn Hòa Nguyên thực hiện, như sau: Theo lời kể của cựu HQ/Thiếu úy Nguyễn Văn Quý (thuộc khóa 24 sĩ quan hải quân Nha Trang) thì lúc bấy giờ, năm 1974, trên HQ5 chức vụ của anh là sĩ quan ẩm thực kiêm sĩ quan truyền tin phòng chiến báo (CIC) của đơn vị, trong nhiệm sở tác chiến anh là sĩ quan trưởng khẩu pháo 40 ly đôi, hữu hạm sân thượng (chung sân với phòng CIC, tầng trên sân này là Đài Chỉ Huy), và nhiệm sở hải hành thì anh đi chung phiên với Thiếu úy Đồng là sĩ quan trưởng phiên, khóa 25 trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Anh cho biết là HQ5 lúc đó đang ở thời gian công tác tuần tiểu bảo vệ quần đảo Trường Sa. Sáng sớm ngày 16/1/1974, HQ5 vào Vũng Tàu, thả neo Bãi Trước để lấy thêm nhiên liệu và đi chợ mua thêm thực phẩm dự trữ công tác. Giữa đêm 16/1/1974, HQ5 nhổ neo, trực chỉ Hoàng Sa. Trên HQ5 có sự hiện diện của Đại tá Ngạc và toán người Nhái lúc nào và số người Nhái chính xác là bao nhiêu thì Thiếu úy Nguyễn Văn Quý không rõ, nhưng anh nghĩ là họ đã xuống tàu trong thời gian anh, là sĩ quan ẩm thực, cùng nhân viên đi chợ mua thực phẩm (về lại tàu lúc sập tối cùng ngày). HQ5 đến Hoàng Sa buổi chiều 18/1/1974. Biển Hoàng Sa lúc đó đang ở vào mùa biển một, biển phẳng lặng, êm, rất êm! HQ5 tức khắc nhập đoàn cùng với HQ4 và HQ16 đang có mặt tại chỗ, cả 3 chiến hạm vào nhiệm sở tác chiến, lập đội hình "biểu dương lực lượng". Các tàu Trung Quốc thoạt đầu nhìn thấy đội hình các tàu của ta thì họ chạy dạt ra xa, e dè quan sát. Chỉ một lúc sau đó, họ cũng lập đội hình "biểu diễn giỡn mặt". Các tàu Trung Quốc nhỏ hơn nhưng chạy nhanh hơn, chúng chạy lượn quanh, chạy chận đầu các chiến hạm của ta. Phía hữu hạm HQ5, có một chiếc tàu Trung Quốc chạy xé sóng, đâm tới nguy hiểm, khi còn cách khoảng 100 mét thì nó thình lình đổi hướng chạy song song với HQ5. Trên tàu, lính Trung Quốc cởi trần, múa may, chỉ chõ, la ó khiêu khích, khiến các chiến sĩ của ta thấy vui rồi nỗi nóng. Một trận đấu võ miệng hai bên, từ trên xuống dưới, mạnh ai nấy chưởi, tiếng Việt và tiếng Tàu bằng loa và bằng mồm đã diễn ra. Sáng ngày 19/1/1974, HQ5 vào nhiệm sở tác chiến, chứng kiến toán người Nhái đổ bộ lên đảo, qua máy truyền tin của phòng CIC của chiến hạm liên lạc với toán người Nhái thì được báo cáo trên đảo đang có cờ và lính Trung Quốc, và trận chạm súng đang diễn ra. Khi nhận được báo cáo người sĩ quan chỉ huy toán người Nhái bị tử thương thì Đại Tá Ngạc, đang ở phòng CIC/HQ5, ra lệnh toán người Nhái tìm cách rút quân. Và trận hải chiến cùng lúc bùng nổ. Thiếu úy Quý đang đứng trưởng khẩu pháo 40 sân thượng hữu hạm cùng với 4 nhân viên (2 xạ thủ và 2 chuyển, nạp đạn). Đạn khói mịt mù. Thiếu úy Quý tận mắt nhìn thấy pháo tháp 127 ly sân mũi (do Thiếu úy Đồng trưởng khẩu) bị trúng pháo Trung Quốc, nổ tung. Các thủy thủ, 4 người, ở khẩu pháo 40 với anh cũng nhìn thấy pháo tháp 127 nổ tung đã hết hồn, bỏ chạy, để lại Thiếu úy Quý một mình, khẩu pháo 40 coi như bị bỏ hoang, trở thành bất khiển dụng từ đó. Đạn bay và pháo nổ rền rền chung quanh, Thiếu úy Quý may mắn vô sự. Trận hải chiến Hoàng Sa kết thúc nhanh chóng. Trên đường HQ5 trở về Đà Nẵng, xác các chiến sĩ hi sinh được đem đặt trên sân sau chiến hạm. Sáng ngày 20-1-1974, HQ5 cập cầu Tiên Sa, Đà Nẵng, xác các chiến sĩ được đóng hòm và gửi chuyển về địa phương, nơi mỗi người cư trú. Sau trận hải chiến, HQ5 tiếp tục công tác tuần dương bảo vệ Trường Sa, không về Sàigòn dự "lễ tuyên dưong" như HQ16. Thiếu úy Quý xác nhận HQ5 có vài chi tiết thú vị, liên quan trận hải chiến Hoàng Sa: - HQ5 đã đi từ Vũng Tàu đến Hoàng Sa, trực chỉ, không ghé Đà Nẵng. - Trung tá Quỳnh, Hạm trưởng, ở trên đài chỉ huy HQ5. - Thiếu tá Thông, Hạm phó, cùng ở trên đài chỉ huy HQ5. - Đại tá Ngạc, Tư lệnh Đặc Nhiệm Chiến dịch Hoàng Sa, ở phòng chiến báo CIC/HQ5. - Trung tá Quỳnh không là Hạm trưởng tân đáo tháng1/1974, mà ông đã là hạm trưởng HQ5 khi Thiếu úy Quý đáo nhậm đơn vị, tháng 9/1973. - Thiếu tá Hồ văn Kỳ Tường, em trai Phó Đề đốc Hồ văn Kỳ Thoại, là cơ khí trưởng HQ5. - Thiếu úy Trần minh Trực, là con trai Đề đốc Trần văn Chơn, anh tốt nghiệp trường sĩ quan hải quân Hoa Kỳ (Annapolis, MD), đang phục vụ trên HQ5, ngủ chung phòng với Thiếu úy Quý. - Sau trận hải chiến Hoàng Sa, thủy thủ đoàn HQ5 không có ai được thăng cấp đặc cách, điển hình là Phan công Minh và Nguyễn văn Quý khóa 24 Nha Trang vẫn cấp bậc Thiếu úy, tuy nhiên các chiến sĩ tử trận thì (rất có thể) được vinh thăng. - Những thiệt hại và thương vong của HQ5 trong trận hải chiến thì Thiếu úy Quý hoàn toàn không nắm được con số chính xác nên không ý kiến. Nguyễn Hòa
Nguyên
|