Tâm Thư 

ngày 10.12.2019

Chu Tất Tiến

Kính thưa quý Niên Trưởng, quý chiến hữu, quý bạn. 

Thật tình mà nói, cho đến giờ phút này, trước những lời qua tiếng lại không đẹp giữa các chiến hữu đã từng chiến đấu bên nhau, từng chia xẻ nỗi đau thương, mất mát của những năm tháng sau 1975, cá nhân tôi, một người lính già, cảm thấy hổ thẹn, vì không làm gì được để hàn gắn tình đoàn kết đáng lẽ phải có của tất cả chúng ta, những người lính già lưu vong, đang tạm dung nơi xứ người. Đọc những ngôn ngữ gay gắt, căng thẳng của các cựu Sĩ Quan Hải Quân trong Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Hoàng Sa, gửi đến tất cả những ai đề nghị thêm danh xưng Trường Sa vào tấm Bản đồ thân yêu của Tổ Quốc, tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn bã, vì không thể tin được, chỉ vì một định kiến, mà đã khiến tình huynh đệ chi binh thành tình Thù, tình Hận.  

- Ngạc nhiên vì không biết lý do tại sao lại không thể ghi khắc danh xưng Trường Sa, một giọt máu của Tổ Quốc vào bản đồ, trong khi Trường Sa không chỉ là Gạc Ma, mà là Song Tử, bãi Đinh Bađảo Thị TứLoại Tađá Cá Nhámđảo Ba BìnhSơn CaNam YếtSinh Tồn và đá Lớn, đảo Trường Sađá Tâyđá Đôngđá Châu Viênđá Chữ Thậpđảo An Bangđá Thuyền Chàiđá Kỳ Vânbãi Kiêu Ngựa,  Thám Hiểm và hàng chục đảo khác.

-Ngạc nhiên vì sau khi Ủy Ban Góp Ý đã tha thiết gửi thư góp ý, mời gọi họp mặt cùng với giới truyền thông, đại diện cộng đồng để trao đổi ý kiến, thì Ủy Ban Xây Dựng vẫn căng thẳng từ chối, đồng thời nhiều dư luận viên bắt đầu tung tin giả, chụp mũ, đánh phá những người trong Ủy Ban Góp Ý cùng thân hữu. Ngạc nhiên hơn là chỉ vì bất đồng ý kiến, mà những người trong Ủy Ban Xây Dựng đã dùng những ngôn ngữ vô cùng dung tục để gọi những cấp chỉ huy của mình, thượng cấp của mình, đàn anh của mình, nhằm mục đích làm nhục những vị ấy. Tinh thần này, trước đây, không hề có trong tập thể Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, một Quân Đội được coi là một trong những đạo quân hùng mạnh nhất thế giới.  

-Ngạc nhiên cuối cùng là sau khi Lời Minh Xác của Niên Trưởng Nguyễn Mạnh Trí đã được phổ biến, tha thiết mong Ủy Ban Xây Dựng nghe theo lời góp ý của chính nghĩa, và mong những chuyện không đẹp giữa đôi bên chưa hề xẩy ra để cùng bắt tay xây dựng một tượng đài để lại cho mai sau, thì sáng nay, lại đọc được thư của chiến hữu Duy Phạm, mạ lị kịch liệt một người từng chia xẻ ngọt đắng với mình những năm xưa cũ.  

Bên cạnh nỗi ngạc nhiên, còn một nỗi buồn man mác. Như tất cả những con người đã qua tuổi 70, là tuổi hiếm có của thế kỷ trước, tôi nhìn thấy rõ ràng những ngày sắp tới cho chúng ta, không kể lính, không kể quan, lãnh tụ hay tu sĩ, đều là vô thường, là hữu hạn. Có ai trong chúng ta dám khẳng định là “Tôi đang mạnh khỏe như sư tử, không bệnh tật, sẽ sống khỏe như thế cả trăm năm nữa! Ai chết thì chết, tôi sẽ không chết!” Chúng ta, những người lính già đang sống mà thật ra, các tế bào đang mỏi mệt dần, chờ tiếng gọi của Thượng Đế. Hôm nay còn mặc quân phục chỉnh tề, hô hoán, ngày mai có thể nằm bất động trên giường bệnh, và rồi, ra đi, hai bàn tay chắp lại trên bụng, có gì để mang theo? Danh vọng? Cấp bậc? Huy chương? Thưa: KHÔNG VÀ KHÔNG! Chỉ còn lại gì? Người xưa nói: Cọp chết để da, người ta chết để tiếng! Vậy, sự kính phục để lại mới là quan trọng. Hãy tưởng tượng, sau khi nằm xuống, có tiếng khóc, có nghẹn ngào tiễn đưa một người từng phục vụ cho đời, không màng danh vọng. Hãy tưởng tượng, bên cạnh chiếc quan tài, có tiếng cười khẩy: “Tên này phản quốc, chết đáng đời!” rồi báo chí, truyền thông ra rả đăng những bài nhục mạ người vừa khuất.  

Hãy so sánh, lễ phủ kỳ cho cố Thiếu Tá Nguyễn Tiến Ích vừa qua, có biết bao nhiêu giọt lệ thương tiếc, cảm phục, những cánh tay giơ lên chào kính chân thành, với ngày ra đi của một vị tướng từng lừng danh ô nhục vì cúi đầu hàng địch, rồi một hũ tro tàn cũng bị xua đuổi, không được nơi nào chấp nhận. (Hiện tại, với bài viết của Kiều Giang, một hậu duệ của Hải Quân, đã thấy mờ mờ sương khói ai rồi đây sẽ không được thương tiếc, ai sẽ để lại cho đời một tiếng không thơm?)  

Do đó, qua những dòng chữ chân thành này, xin gửi đến Ủy Ban Xây Dựng đôi lời mộc mạc, trực ngôn, nếu có chút gì xúc phạm, mong thứ lỗi vì chỉ mong ghép danh xưng TRƯỜNG SA vào tấm bia bản đồ mà quý vị đang xây dựng, hầu cho tất cả chúng ta, không phân biệt Bộ Binh hay Hải Quân, Không Quân hay Pháo Thủ…cùng nắm tay nhau hướng về Tượng Đài và hô to câu: HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ CỦA TỔ QUỐC VIẾT NAM! HOÀNG SA, TRƯỜNG SA MÃI MÃI TRONG TIM CỦA TẤT CẢ CHÚNG TA. Để mai mốt, khi chúng ta rời khỏi mặt đất này, sẽ được thương tiếc như trong bài “Anh Không Chết Đâu Anh!” của Trần Thiện Thanh: Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ. Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân. Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh ...  

Trọng kính,

Lính già Chu Tất Tiến, 10/12/2019. 

Trở lại