Bán đẢo TriỀu Tiên: mỘng và thỰc

Đại-Dương

Tài liệu tham khảo:

'Peace Olympics' belies divided South Korea (Nikei)

Moon's adviser calls for US-North Korea diplomatic ties (Korea Times)

Trump Opens Door, Just Slightly, to Talking With North Korea (NYT)

Things Seoul, Beijing, Tokyo and Washington should know (Korea Herald)

US says denuclearization is condition for talks with N. Korea (Yonhap)

Sanctions Deal Harsh Blow to N.Korean Economy (Chosunilbo) 

               Bán đẢo TriỀu Tiên: mỘng và thỰc

                                         Đại-Dương

Hồ sơ Bán đảo Triều Tiên gồm có các vấn đề quan trọng và rắc rối như: thống nhất Bắc Nam, phi-nguyên-tử-hoá, phát triển kinh tế, quan hệ quốc tế, chiến tranh hay hoà bình cần được giải quyết thoả đáng.

Không ai muốn một dân tộc bị chia rẽ. Nhưng, lịch sử đã buộc nên gỡ bỏ không hề giản dị do các trở ngại cho tiến trình thống nhất. (1) Khác biệt về ý thức hệ và chế độ chính trị Nam-Bắc chưa suy giảm nên rất khó hội nhập. Tờ Nikkei ghi nhận chỉ có vài trăm khán giả tại Thế vận hội Mùa Đông ở Đại Hàn xem các màn trình diễn được biên soạn cẩn thận của nhóm cổ động viên Bắc Hàn. (2) Chênh lệch về kinh tế tự do của Nam Hàn và kinh tế tập trung ở Bắc Hàn. Nền kinh tế Nam Hàn lớn thứ 11, thương mại xếp thứ sáu trên thế giới với GDP $1,530 tỉ và lợi tức đầu người $31,000 so với $25 tỉ và $1,000 của Bắc Hàn. (3) Nền công kỹ nghệ Nam Hàn ở tốp đầu thế giới, Hãng Ô tô Hyundai xếp hạng năm quốc tế so với tình trạng lạc hậu của Bắc Hàn. (4) Cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Viện Nghiên cứu Thống nhất và Hoà Bình thuộc Đại học Quốc gia Hán Thành cho biết 54% người được hỏi đã coi việc thống nhất là cần thiết, giảm 10% so với 10 năm trước vào thời hai vị Tổng thống Kim Đại Trung và Roh Moo-hyun. Chỉ có 40% người dưới 40 tuổi đồng ý việc thống nhất so với 67% ở lứa tuổi trên 40.

Chủ tịch Kim Chính Ân thường xuyên đe doạ thiêu rụi Nhật Bản, Đại Hàn, Hoa Kỳ bằng vũ khí nguyên tử, hoả tiễn tầm trung và liên lục địa làm tăng khả năng xung đột quân sự Bán đảo Triều Tiên.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Tổng thống George H. W. Bush đã rút vũ khí nguyên tử chiến thuật khỏi Nam Hàn. Ngược lại, Bình Nhưỡng âm thầm tiếp tục nghiên cứu việc chế tạo vũ khí nguyên tử.

Các vị Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama đã thất bại trong chính sách đem củ cà rốt thật bự để đối lấy chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ chỉ được lời hứa khi đàm phán song phương hoặc Sáu Bên (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên) kéo dài từ năm 2003 đến 2009.

Sáu vòng đàm phán với nhiều vấn đề chằng chịt như viện trợ kinh tế, nhiên liệu, nhà máy điện hạt nhân; bình thường quan hệ Mỹ-Triều và Nhật-Triều; thúc đẩy kinh tế; Nam-Bắc thương lượng hiệp ước hoà bình riêng; tháo khoán tài sản của Bắc Hàn tại ngân hàng ở Ma Cao; bắt cóc người Nhật; W. Bush đòi giải trừ quân bị hoàn toàn nên không thể tập trung giải quyết dứt khoát chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.  

Tháng 10-2006, Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm nguyên tử thành công mà đàm phán vẫn tiếp tục. Tháng 4-2009, Bắc Triều Tiên thông báo việc phóng hoả tiễn bị Liên Hiệp Quốc ra lệnh cấm vận nên Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi bàn đàm phán Sáu Bên.

Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa cần Bình Nhưỡng có vũ khí nguyên tử để làm tay sai đắc lực trong chiến lược cạnh tranh siêu cường với Hoa Kỳ và duy trì Bắc Triều Tiên như một trái độn cần thiết ở biên giới phía Nam.

Hoa Thịnh Đốn không muốn tình hình trên Bán đảo Triều Tiên quá căng thẳng nên chưa áp dụng các biện pháp cứng rắn đã tạo điều kiện cho Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công bom nguyên tử và bom nhiệt hạch cũng như hoả tiễn liên lục địa.

Nhằm tránh tình trạng đàm phán cù nhây trong quá khứ nên Tổng thống Donald Trump tuyên bố chỉ bàn duy nhất việc phi-nguyên-tử-hoá trên Bán đảo Triều Tiên khi Kim Chính Ân tuyên bố sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Hoa Kỳ.

Tổng thống Moon Jae-in muốn tái áp dụng Chính sách Ánh Dương (Sunshine Policy) của Tổng thống Kim Đại Trung nhằm chứng tỏ vai trò chính trong vụ giải quyết chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn và tinh thần độc lập dân tộc. Moon không đủ uy tín như Kim Đại Trung, Roh Moo-hyun nên khó thuyết phục Kim Chính Ân nhượng bộ trong vấn đề chế tạo vũ khí nguyên tử.

Moon chính thức yêu cầu Trung Quốc hợp tác và yểm trợ các cuộc đàm phán Liên-Triều và đàm phán về phi-nguyên-tử-hoá giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn.

Trung Quốc từng đóng vai trò trung gian suốt 6 năm đàm phán Sáu Bên mà không mang lại một kết quả cụ thể nào. Nam Hàn chẳng nên lập lại thất bại thêm một lần nữa.

Nhưng, Bình Nhưỡng chưa bao giờ coi Hán Thành như “đối tác chiến lược” mà tự xưng là đại diện duy nhất cho dân tộc trên Bán đảo Triều Tiên để thương lượng trực tiếp với Hoa Kỳ.

Bắc Hàn chủ trương thống nhất Triều Tiên như mô hình Cộng sản Việt Nam nên đàm phán hoà bình chỉ là chiêu bài phục vụ cho thủ đoạn gây tình trạng chia rẽ giữa 51 triệu dân ở Cộng Hoà Đại Hàn, giữa Hán Thành và Hoa Thịnh Đốn.

Từ năm 1987, Đại Hàn đã trở thành quốc gia tài trợ cho nhiều nước đang phát triển dĩ nhiên rất cần nguồn nhân lực thừa thãi ở Bắc Hàn. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chỉ muốn giới doanh nhân Đại Hàn cung cấp tài chính, kỹ thuật, công nghệ theo đòi hỏi của nhà cầm quyền miền Bắc nên khó hợp tác tiến bộ.

Kim Chính Ân chỉ muốn Hoa Kỳ công nhận Bắc Hàn là quốc gia nguyên tử để đặt điều kiện thương lượng với Donald Trump.

Nhưng, trong Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Giải trừ Quân bị hôm 27 tháng 2-2018, Đại sứ Hoa Kỳ về giải trừ vũ khí, Robert Wood phát biểu: “Hoa Thịnh Đốn sẽ không bao giờ nhìn nhận Bắc Hàn là một quốc gia vũ khí nguyên tử nên Triều Tiên cần phải chấm dứt yêu sách này.

Các biện pháp cấm vận của hai vị tổng thống Dân Chủ và một Cộng Hoà thiếu triệt để nên bị Bình Nhưỡng khinh thường. Trump chú trọng thực tế hơn lý thuyết nên các biện pháp cấm vận mới đây khiến Bắc Hàn lao đao.

Trước kia nhu cầu sinh hoạt của gia đình Lãnh tụ Bắc Hàn đều được mua sắm từ ngoại quốc. Hiện thời, giới lãnh đạo đã phải lùng sục nhu yếu phẩm ở các chợ trời.

Mặc dù vậy, Hoa Kỳ tiếp tục tăng thêm các biện pháp cấm vận nếu Bình Nhưỡng không chịu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

                                        Đại Dương  

Trở lại