KIM CHÍNH ÂN THẤU CÁY MOON JAE-IN

 Đại-Dương

Tài liệu tham khảo:

Japan Rejects South Korean Call for Extra Steps Over 'Comfort Women' (Reuters)

Gov't to Announce Decision on Sex Slaves Deal (Chosun Ilbo)

Koreas agree to military talks, NK confirms PyeongChang participation (Korea Herald)

US wants diplomatic solution to NK nuclear crisis: CIA chief (Yonhap)

South Korea’s Real Fight is With China, Not Japan (Diplomat) 

 

         KIM CHÍNH ÂN THẤU CÁY MOON JAE-IN

                                     Đại-Dương

Áp lực cấm vận kinh tế của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tác động mạnh lên cuộc sống ở Bắc Triều Tiên.

Những lời kêu gọi đối thoại thống thiết của Tổng thống Moon Jae-in đã bị Kim Chính Ân bỏ ngoài tai và bị Tập Cận Bình đối xử khinh miệt khi đến Bắc Kinh, bất chấp lễ nghi ngoại giao.

Trong Thông điệp đầu năm 2018, Chủ tịch Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ gửi phái đoàn đàm phán về sự tham dự Thế vận hội Mùa Đông tại một thị trấn miền núi Pyeongchang ở Đại Hàn.

Hán Thành đồng ý cử một phái đoàn năm người do Bộ trưởng Thống nhất, Cho Myoung-gyon sẽ đàm phán tại làng Bàn Môn Điếm vào ngày 9 tháng 1 năm 2018 với phái đoàn tương tự do Chủ tịch Uỷ ban Thống nhất Hoà bình, Ri Son-gwon lãnh đạo. Hán Thành hy vọng sẽ làm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Phiên họp đầu tiên giữa hai phái đoàn Nam/Bắc khởi sự từ lúc 10 giờ sáng ngày 9 tháng 1 và kết thúc sau 12 tiếng đồng hồ, tức 8 giờ tối, kể cả các lần gián đoạn.

Hai phái đoàn ra tuyên bố chung gởi cho báo chí: "Hai miền Nam/Bắc đồng ý hợp tác trong việc tạo điều kiện hòa giải và thống nhất bằng cách giảm căng thẳng quân sự và thiết lập một môi trường hòa bình ... đồng ý về sự cần thiết để giảm căng thẳng quân sự và tổ chức các cuộc đàm phán quân sự để giải quyết mọi vấn đề nổi bật trong mối quan hệ liên-Triều".

Bình Nhưỡng sẽ cử thêm lực sĩ, phái đoàn Uỷ ban Olympic, toán cổ vũ, đoàn hát trình diễn văn hoá, nhóm biểu diễn thái cực đạo, phái đoàn quan sát viên và báo chí, tham dự Thế vận hội.

Phần khai mạc đầy thiện chí, nhưng, sớm bộc lộ sự khác biệt quan trọng giữa hai phái đoàn về mục tiêu đàm phán.

Bộ trưởng Thống nhất Đại Hàn, Cheong Wa Dae đề nghị các cuộc đàm phán quân sự cũng như đoàn tụ gia đình diễn ra vào tháng Hai, và kêu gọi Bình Nhưỡng giảm các mối căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, và nối lại đối thoại để thiết lập hoà bình bao gồm cả phi-nguyên-tử".

Lúc bế mạc, Ri Son-gwon bày tỏ vô cùng bất mãn vì phái đoàn Miền Nam đã đề cập tới việc phi-nguyên-tử ngay lúc bắt đầu họp.

Cộng đồng quốc tế quan tâm nhất đến nguy cơ nguyên tử trên Bán đảo Triều Tiên, ngược lại, Bình Nhưỡng không muốn đề cập.

Kim Chính Ân không che dấu trong thông điệp đầu năm 2018 đã đòi Đại Hàn chấm dứt các cuộc tập trận nguyên tử với các lực lượng bên ngoài để ly gián Donald Trump và Moon Jae-in.

Bắc Triều Tiên đã bắn thử 20 hoả tiễn đạn đạo kể cả hai hoả tiễn liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử có thể đi tới Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng cũng đã cho nổ thí nghiệm nguyên tử 6 lần, gồm cả loại khinh khí. Kim tuyên bố đã hoàn tất giai đoạn nguyên tử nên chẳng có gì để bàn cãi vấn đề phi-nguyên-tử với Moon vì Đại Hàn không có vũ khí nguyên tử thì lấy gì đàm phán.

Thời của Kim Chính Nhất cũng từng gửi lực sĩ tham dự sự kiện thế thao ở Đại Hàn và cho viên chức cao cấp tiếp xúc với Chính phủ Miền Nam. Câu chuyện chỉ đến đó là kết thúc. Lần này cũng thế, phái đoàn Bắc Hàn sẽ đòi Nam Hàn chấm dứt quan hệ quân sự với Hoa Kỳ và Nhật Bản để hai miền Nam/Bắc cùng nhau giải quyết.

Bình Nhưỡng tưởng rằng đang ở thế mạnh để ép Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn phải chấp nhận các điều kiện đặt ra. Có thể chỉ là ảo tưởng vì Liên minh này mạnh hơn cả Trung Quốc và Bắc Triều Tiên họp lại.

Tổng thống Moon Jae-in muốn đi theo Chính sách Ánh Dương (Sunshine Policy) của hai vị tổng thống liên tiếp Kim Đại Trung và Rho Moo-hyun (1998-2008). Thực tế, nhờ Kim và Rho mà Bắc Triều Tiên không rơi và nạn đói toàn diện, đồng thời, giúp cho Bình Nhưỡng điều kiện tiến hành chương trình vũ khí nguyên tử.

Moon muốn làm khác với vị tiền nhiệm Park Geun-hye (2013-2017) nên đến Bắc Kinh khấu đầu tạ tội với Tập Cận Bình và ve vảng Kim Chính Ân. (1) Moon phái Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha đến Tokyo hôm để đòi đàm phán lại Thoả ước Nô lệ Tình dục đã ký năm 2015 liên quan đến giai đoạn Nhật Bản cai trị Bán đảo Triều Tiên (1910-1945). Hành động này làm cho mối quan hệ Nhật-Hàn căng thẳng hơn. Nhưng, vào giờ chót Kang tuyến bố duy trì Thoả ước. (2) Moon muốn chứng tỏ đường lối ngoại giao độc lập, nhưng, Đại Hàn chưa đủ sức đương đầu với Trung Quốc và Bắc Hàn nên rồi sẽ gắn bó và thắt chặt hơn trong Liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ-Đại Hàn.

Khi tranh cử Moon hứa xét lại việc thiết đặt Hệ thống Phòng chống Hoả tiễn Giai đoạn chót (THAAD), nhưng, THAAD đã hoạt động để bảo vệ Đại Hàn. Moon hứa sẽ quyết định mọi biện pháp liên quan đến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Moon sẽ làm gì khi lực lượng Mỹ bị tấn công, ngoại trừ phải hợp tác với Hoa Kỳ.

Bắc Kinh phái Phó Bộ trưởng Ngoại giao kiêm đặc sứ về vấn đề Bán đảo Triều Tiên đến Hán Thành vào ngày 5 và 6 tháng 1 để thúc đẩy việc nối lại cuộc đàm phán nguyên tử Sáu Bên (Mỹ, Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn).

Hoa Kỳ đồng ý hoãn lại các cuộc tập trận chung thường lệ với Đại Hàn vào Mùa Xuân, nhưng, lực lượng Mỹ vẫn hoạt động bình thường và lúc nào cũng sẵn sàng trong thời bình lẫn chiến tranh. Đối với Tổng thống Donald Trump thì mục tiêu phi-nguyên-tử trên Bán đảo Triều Tiên là quan trọng hơn hết. Vì thế, bất cứ biện pháp nào làm giảm căng thẳng để tạo điều kiện giải giới nguyên tử trên Bán Đảo Triều Tiên đều được ủng hộ.

Đàm phán Nam/Bắc Hàn rồi sẽ bị lãng quên sau khi Thế vận hội Mùa Đông ở thị trấn Pyeongchang kết thúc vào ngày 25 tháng Hai.

Bình Nhưỡng có thể thử hoả tiễn đạn đạo từ tháng Ba và Hoa Kỳ, Đại Hàn bắt đầu tập trận.

Chuyện đàm phán nguyên tử trên Bán đảo Triều Tiên chỉ xảy ra khi Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thấy vũ khí nguyên tử chiến thuật được bố trí tại Đại Hàn và Nhật Bản.

Muốn chấm dứt nỗi sợ hải nguyên tử như nhau buộc bốn quốc gia Đông Bắc Á phải chấp nhận tình trạng phi-vũ-khí-nguyên-tử trên Bán đảo Triều Tiên.

                                     Đại-Dương 

Trở lại