TẬP CẬN BÌNH CƯ XỬ VỚI MOON JAE-IN

     NHƯ CHỦ VỚI TỚ

            Đại-Dương

Tài liệu tham khảo:

North Korea threat on agenda when South Korean foreign minister visits Japan (Reuters)

Hopes for better Seoul-Beijing ties, but challenges linger (The Korea Herald)

South Korea demands apology from Beijing over attack on journalist (DW)

Chinese Security Guards Assault Korean Reporters (Chosun Ilbo)

North Korea threatens China, too: Moon (The Korea Times)

 

 

           TẬP CẬN BÌNH CƯ XỬ VỚI MOON JAE-IN

                            NHƯ CHỦ VỚI TỚ

                                    Đại-Dương

Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức từ tháng 5-2017 đã thực hiện chuyến công du Trung Quốc đầu tiên trong 4 ngày từ 13-12-2017 mà chỉ được Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc đón tại phi trường.

Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc huỷ bỏ buổi ăn sáng với Tổng thống Moon.

Trung Quốc cũng đã từng đối xử không đúng phép xã giao với Tổng thống Barack Obama khi dự Thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu năm 2016 trong khi trải thảm đỏ đón các nguyên thủ quốc gia khác đến phó hội.

Viên chức của Trung Quốc cũng cãi cọ gay gắt với Ngoại trưởng Susan Rice và viên chức mật vụ Mỹ tại bãi đáp của Air Force One.

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Moon Jae-in vào tối ngày 15 mà không có Thông cáo chung.

Tờ The Korea Times trích lời của Yoon Young-chan, Phát ngôn viên của tổng thống "nhị vị lãnh đạo không chấp nhận chiến tranh nên sẽ tìm lộ trình phi-nguyên-tử trên Bán đảo Triều Tiên tương hợp với tinh thần cộng đồng quốc tế ... phối hợp đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán thông qua các biện pháp cấm vận và áp lực về tuân thủ đầy đủ các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ... nhưng, Moon không yêu cầu Tập ngưng tiếp tế dầu hoả cho Bắc Triều Tiên mà mong Trung Quốc đóng vai trò quan trọng hơn ... Ngược lại, Tập Cận Bình nhắc tới Hệ thống Phòng thủ Hoả tiễn Giai đoạn cuối, THAAD, mà hai bên đã đồng ý bỏ qua nhân dịp gặp nhau tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017) tại Đà Nẵng".

Truyền thông quốc tế chỉ chú trọng đến tin hai phóng viên Đại Hàn tháp tùng Tổng thống Moon tham dự Hội chợ Thương mại ở Bắc Kinh sáng 15 tháng 12 đã bị 15 nhân viên an ninh Trung Quốc hành hung gây thương tích cho hai phóng viên Đại Hàn tháp tùng ông Moon, bất chấp sự can thiệp của viên chức cao cấp thuộc tổng thống phủ Hán Thành.

Phía Trung Quốc hứa sẽ điều tra, nhưng, Phát ngôn viên Lục Khảng thuộc Bộ Ngoại giao cố đổ lỗi cho Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại (KOTRA) của Đại Hàn đã tự tổ chức và thuê mướn bảo vệ. Thực tế, chính Cảnh sát Vũ trang Nhân dân đã giới thiệu tổ chức bảo vệ này cho KOTRA.

Tổ chức Phóng viên Không-biên-giới đã xếp Trung Quốc vào hạng 176 về Chỉ số Tự do Báo chí, chỉ đứng trên Syria và Turkmenistan.

Báo The Korea Herald ngày 17 tháng 12 trích lời của Yoon Young-chan, Phát ngôn viên Phủ tổng thống sau khi Tổng thống Moon kết trở về Hán Thành "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc bảo đảm sẽ nối lại sự hợp tác và thương mại và kinh tế bị ngưng khi Đại Hàn đặt Hệ thống THAAD, tuy nhiên, nó sẽ tuỳ thuộc vào thái độ của Chính phủ Hán Thành đối với điều mà Bắc Kinh gọi là "Chính sách Ba Không".

Truyền thông Đại Hàn không nói rõ mà Báo Giáo Dục Việt Nam số ra ngày 14 tháng 12 nêu ra: "Không triển khai thêm THAAD, Không tham gia hệ thống tên lửa của Mỹ trong khu vực, Không tham gia liên minh quân sự Nhật Bản-Hoa Kỳ-Đại Hàn".

Yoon Young-chan cho biết "Tổng thống cam kết sẽ tham dự Sáng kiến Đai và Đường (OBOR) trong khi Bắc Kinh bảo đảm sẽ có nhiều du khách Trung Quốc tham dự Thế vận hội Mùa Đông 2018 ở Đại Hàn.

Hiệp ước Thương mại Tự do Đại Hàn-Trung Quốc được ký kết vào tháng 6-2015 có thể nâng giá trị thương mại hàng năm lên tới 300 tỉ USD.

Vì thế, Bắc Kinh đã phải nhượng bộ vì: (1) Trung Quốc cũng bị thiệt hại khi trừng phạt kinh tế Đại Hàn. (2) Làm găng quá khiến các quốc gia khác khó tin vào thiện chí của Bắc Kinh. (3) Có thể đẩy Đại Hàn gắn bó hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Tập Cận Bình muốn Moon Jae-in dẹp bỏ THAAD, nhưng, chỉ được hứa sẽ không sử dụng radar để thâm nhập lãnh thổ Trung Quốc như từng trả lời Đài Truyền hình Trung ương của Trung Quốc (CCTV) trước khi rời Hán Thành đi Bắc Kinh.

Thái độ kẻ cả của Tập Cận Bình chứng tỏ vô cùng phi lý vì hoả tiễn và vũ khí nguyên tử của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thường xuyên đe doạ Đại Hàn lại cấm các quốc gia láng giềng xây dựng hệ thống phòng thủ và tăng cường khả năng tác chiến.

Dư luận Đại Hàn ngày càng muốn có vũ khí nguyên tử chiến lược mà Mỹ đã rút đi vào năm 1991 hầu làm cân bằng nỗi sợ hãi giữa các quốc gia Đông Bắc Á như một biện pháp ngăn ngừa chiến tranh và gìn giữ hoà bình, ổn định để phát triển.

Khi giới lãnh đạo Trung Quốc và Bắc Triều Tiên biết có nguy cơ nguyên tử treo lơ lững trên đầu từ Nhật Bản và Đại Hàn ắt không dám manh động.

Một quốc gia thủ đắc vũ khí nguyên tử làm ưu thế hơn láng giềng ắt sẽ sẵn sàng sử dụng như công cụ để xâm lăng hoặc cưỡng đoạt lãnh thổ nước khác.

Hán Thành đang thương lượng với Hoa Kỳ để mua các tiềm thuỷ đỉnh nguyên tử nhằm cân bằng ưu thế quân sự.

Ngoại trưởng Đại Hàn, Kang Kyung-wha sẽ tới Tokyo ngày 19 tháng 12 để cùng người tương nhiệm Taro Kono trao các đổi quan điểm về vấn đề Bắc Triều Tiên và quan hệ song phương.

Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng do mối đe doạ gia tăng từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng buộc Hoa Thịnh Đốn, Tokyo và Hán Thành phải thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi quốc gia và nền hoà bình, ổn định tại Đông Bắc Á, kể cả chuẩn bị chiến tranh.

Giới lãnh đạo của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn đang nghiêng về hành động thay cho lời nói trong việc củng cố sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế đủ sức đẩy lùi bất cứ tham vọng bất chính nào.

Kẻ nào sợ chiến tranh hoặc sợ bị dán cho danh hiệu hiếu chiến sẽ khó tránh thảm họa giáng lên đầu như lịch sử loài người đã minh chứng.

                                        Đại-Dương  

Trở lại