Kỷ niệm 50 năm ngày con người đặt chân lên mặt trăng

Hà Dương Cự

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/07/KHKT-Con-nguoi-len-mat-trang-1-696x696.jpg

Phi hành gia Edwin Aldrin đang bước xuống mặt trăng. (Hình: NASA)

Ngày 20 Tháng Bảy, 1969, phi thuyền Apollo 11 đã đưa ba phi hành gia tới quỹ đạo mặt trăng. Hai ông Neil Armstrong và Edwin Aldrin đã đặt chân lên mặt trăng, còn ông Michael Collins thì ở trên đơn vị chỉ huy bay vòng quanh mặt trăng.

Để kỷ niệm 50 năm câu chuyện lịch sử này tôi xin trình bày diễn tiến của cuộc hành trình đầy nguy hiểm và hứng thú của phi thuyền Apollo 11.

Chương trình Apollo bắt đầu từ đâu? 

Trong thời kỳ Chiến Trạnh Lạnh giữa các nước dân chủ và phe cộng sản, Mỹ và Liên Bang Xô Viết tranh đua ráo riết trong lãnh vực không gian. Liên Bang Xô Viết đã thắng được cú đầu bằng việc phóng lên không trung vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào năm 1957, đó là vệ tinh Spunik. Năm 1961 lại làm thêm một cú nữa đó là đưa người đầu tiên, ông Yuri Gagarin, lên không trung.

Tự ái dân tộc Mỹ bị tổn thương nặng nề, người Mỹ phải nghĩ ra những mục tiêu khác để giành phần hơn Liên Bang Xô Viết. Năm 1962, Tổng Thống Kennedy tuyên bố một câu lịch sử: “Chúng ta chọn lên mặt trăng” (we choose to go to the Moon). Đó là khởi điểm của chương trình Apollo. Cơ quan NASA của Hoa Kỳ được chính phủ cung cấp tới khoảng $25 tỷ cho chương trình này.

Các thành phần của phi thuyền Apollo 

Hỏa tiễn Saturn V: Hỏa tiễn được dùng để đẩy toàn hệ thống phi thuyền Apollo lên không trung là Saturn V, đây là hỏa tiễn có sức đẩy mạnh nhất từ trước đến giờ. Saturn V có ba phần. Phần một chứa 1.2 triệu lít oxy lỏng và 770,000 lít hyđrô lỏng. Phần này đẩy toàn hệ thống Apollo lên tới vận tốc 6,000 mph trong vòng 2.5 phút, sau đó tách ra và rơi xuống mặt đất. Phần hai chứa 984,000 lít hyđrô lỏng và 303,000 lít oxy lỏng và làm gia tăng vận tốc phi thuyền lên tới 15,000 mph. Phần ba chứa 252,750 lít hyđrô lỏng và 73,380 lít oxy lỏng và làm gia tăng vận tốc phi thuyền lên tới 25,000 mph, đủ nhanh để thoát khỏi sức hút của trái đất.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/07/KHKT-Con-nguoi-len-mat-trang-2.jpg

Ba phần của hỏa tiễn Saturn V. 

Đơn vị chỉ huy (command module): Đơn vị chỉ huy, viết tắt là CM, trông giống như một cái hình nón bị cụt đầu và dài 3.63 mét. Như tên gọi, đơn vị này là trung tâm chỉ huy, nhưng cũng có chỗ cho phi hành gia nghỉ ngơi. Đơn vị chỉ huy cũng được dùng để trở vào bầu khí quyển trái đất.

Đơn vị dịch vụ (service module): Đơn vị dịch vụ, viết tắt là SM có hình trụ và dài 6.88 mét. Nhiệm vụ chính của đơn vị này là cung cấp sức đẩy cho Apollo và dùng để lái phi thuyền. Những chất liệu như oxy, hyđrô và nhiên liệu được chứa trong đơn vị dịch vụ. Trước khi phi thuyền trở vào vùng khí quyển trái đất thì đơn vị dịch vụ được loại ra ngoài không gian.

Đơn vị mặt trăng (Lunar module): Đơn vị mặt trăng dùng để đưa hai phi hành gia đáp xuống mặt trăng và cũng để đưa từ mặt trăng lên điểm hẹn với CM. Đơn vị này có hai phần, một phần bên dưới có động cơ dùng để đáp xuống mặt trăng. Phần này cũng là kho chứa các vật dụng cần thiết. Phần bên trên là chỗ làm việc của hai phi hành gia. Khi rời khỏi mặt trăng thì phần dưới được dùng làm nền để phóng phần trên lên quỹ đạo mặt trăng và gặp lại đơn vị CM.

Chương trình Apollo 

Các giai đoạn của chương trình Apollo được đánh số từ 1 đến 17. Vào Tháng Giêng, 1967, Apollo 1 bị cháy khi đang trong vòng thử nghiệm làm ba phi hành gia bị thiệt mạng. Sau đó chương trình Apollo bị gián đoạn, không có Apollo 2 và 3. Apollo 4, 5 và 6 đều không có người lái và dùng để thử nghiệm những thành phần khác nhau của hệ thống.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/07/KHKT-Con-nguoi-len-mat-trang-3.jpg

Hình minh họa ba đơn vị SM, CM, và LM. (Hình: NASA)

Apollo 7 là phi thuyền đầu tiên trong hệ thống Apollo có phi hành gia, nhưng chỉ bay vòng quanh trái đất để thử nghiệm các hệ thống hỏa tiễn Saturn. Apollo 8 là phi thuyền đầu tiên có các phi hành gia bay quanh mặt trăng rồi trở về trái đất. Phi thuyền này không đáp xuống mặt trăng mà chỉ để thử nghiệm hành trình đi tới mặt trăng và trở về. Đây là lần đầu tiên con người bay ra xa khỏi sức hút của trái đất. Apollo 9 lại không bay tới mặt trăng mà chỉ bay vòng quanh trái đất để thử nghiệm các đơn vị CM, SM, và LM. Apollo 10 là một thử nghiệm chót (coi như là tổng dợt) trước khi Apollo 11 thật sự đáp xuống mặt trăng.

Apollo 11 là phi thuyền đầu tiên đổ bộ lên mặt trăng. Sau đó các phi thuyền Apollo 12, 14, 15, 16, và 17 đều có phi hành gia đổ bộ lên mặt trăng. Apollo 17 là phi thuyền chót có người đặt chân lên mặt trăng. Từ đó không có người nào viếng mặt trăng nữa.

Phi thuyền Apollo 13 được phóng lên vào Tháng Tư, 1970, với ý định tiếp tục sứ mệnh của Apollo 11 và Apollo 12. Nhưng thùng oxy bị nổ khi đang bay tới mặt trăng. Phi hành đoàn buộc phải bỏ cuộc và quay trở về trái đất. May là họ đã trở về bình an. Câu chuyện này được làm thành một phim rất hay, đó là phim Apollo 13.

Hành trình của Apollo 

Tổng cộng thời gian của Apollo chỉ hơn tám ngày, nói chính xác là 195 giờ, 18 phút và 35 giây.

Apollo 11 được phóng lên  từ Trung Tâm Không Gian Kennedy, Florida ngày 16 Tháng Bảy, 1969, và bay vòng quanh trái đất. Hơn hai tiếng sau phần thứ ba của hỏa tiễn Saturn V khai hỏa và đẩy Apollo ra khỏi sức hút của trái đất và đi về hướng mặt trăng. Đơn vị chỉ huy CM quay vòng lại và nối kết với đơn vị mặt trăng LM. Phần ba của Saturn V được loại ra ngoài.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/07/KHKT-Con-nguoi-len-mat-trang-4.jpg

Hành trình Apollo 11. (Hình: airandspace.si.edu)

Apollo 11 tiếp tục đi đến mặt trăng, sau hơn ba ngày thì vào quỹ đạo mặt trăng. Đơn vị LM tách rời khỏi hai đơn vị CM và SM và bắt đầu làm những động tác để đáp xuống mặt trăng. Vào lúc 3 giờ ngày 20 Tháng Bảy LM đáp xuống mặt trăng an toàn. Lúc 9 giờ 56 phút ông Armstrong đặt chân đầu tiên trên mặt trăng và tuyên bố một câu để đời: “Đây là một bước nhỏ cho một người, một bước nhảy vọt khổng lồ cho nhân loại” (That’s one small step for [a] man, one giant leap for mankind).

Hai ông Armstrong và Aldrin đi ra ngoài LM hơn hai tiếng đồng hồ để thu thập sỏi đá của mặt trăng, chụp hình và xếp đặt những thí nghiệm khoa học. Sau hơn 20 giờ thì LM được khai hỏa để trở lên và nối kết với CM. Hai phi hành gia trở vào CM và LM được loại ra ngoài không gian. Hai đơn vị CM và SM bắt đầu đi trở lại trái đất. Trước khi đi vào bầu khí quyển đơn vị SM bị đẩy ra.

Vào lúc 11 giờ sáng ngày 24 thì CM trở vào bầu khí quyển trái đất và hạ xuống Thái Bình Dương. Tàu chiến của Hoa Kỳ đã chờ sẵn và trực thăng vớt ba phi hành gia lên. Kết thúc hoàn mỹ một chuyến đi đầy nguy hiểm. Theo một ước tính thì có tới 650 triệu người theo dõi trực tiếp cảnh ông Armstrong đặt chân lên mặt trăng.

Con người có sống trên mặt trăng được không? 

Bây giờ đã có người tới được mặt trăng, thế thì con người có thể ở lâu dài trên mặt trăng không? Ngay bây giờ thì câu trả lời là không vì môi trường trên mặt trăng quá khắc nghiệt. Bình thường một ngày trên mặt trăng kéo dài bằng 14 ngày trên trái đất với nhiệt độ trung bình 123 độ C. Ban đêm cũng kéo dài như vậy và với nhiệt độ âm 233 độ C.

Hà Dương Cự

—-
Nguồn tài liệu: www.lpi.usra.edu, https://airandspace.si.edu, www.nasa.gov

 

Trở lại