trên giòng biên giới

Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông

Nguyễn Du  

                                                                     
1.

Đoàn giang đĩnh vội vã rời căn cứ nổi An Long chạy về phía Hồng Ngự lúc xế chiều. Cơn mưa mùa hè trút vội bóng hoàng hôn xuống mặt sông xám.  Bãi bờ xa mất hút trong màn mưa làm dòng sông lan xa mênh mông như biển.

Hơn tháng nay quanh quẩn vùng bắc Cao Lãnh và Bến Đá khiến cả lính lẫn quan bắt đầu thấy cuồng chân.  Lui tới mãi cũng chỉ khúc đại lộ buồn thiu trước tòa Tỉnh và mấy quán cà phê vắng khách.  Khúc nhạc trưa rời rạc nhàm chán như cô chủ quán quá thì ráng làm ra vẽ ngây thơ.  Cũng may cách Bến Đá không xa là cù lao Mỹ Hiệp xanh mát bóng cây giữa vàm sông rộng.  

Từ bến bắc Cao Lãnh lên tàu theo con nước xuôi về Chợ Mới, chưa hết phiền hà vì sự chật chội nóng nực của hơn nửa ngày xe đò, lòng chợt mát rượi như vừa được uống miếng nước mưa giữa buổi trưa hè.  Cái cù lao nhỏ nhoi mà ân cần như một ốc đảo giữa sa mạc.  Rừng cây xanh bao kín cù lao chỉ chừa khoảng trống vừa đủ cho con kinh nhỏ theo vào.  Dòng nước trong và êm tưởng chừng như chỉ những giọt nước hiền mới được phép quây quần.  Ngay khoảng trống đó là cánh cửa  vô hình, ranh giới giữa cuồng nộ và yên bình.  Bên trong, khung cảnh mở ra đẹp như một vùng chiêm bao.  Hàng cây hai bên con đường nước châu đầu trò chuyện, cành lá đan vào nhau làm những miếng nắng phải len lỏi mãi mới sa xuống được mặt nước mát.  Tàu trôi dưới vòm cây.  Tâm hồn nhẹ nhàng, tưởng đang chậm bước trong một giáo đường thênh thang.  Những ngôi nhà nền đắp cao, mái ngói đài các, ẩn hiện sau rặng điên điển lấm tấm hoa vàng.  Nối liền mỗi nhà với con kinh là mương nước rộng, xuồng lớn có thể chèo vào tận đến đầu hiên nhà. 

Từ sông lớn đi vào, ngôi nhà đầu tiên phía bên trái là của cô thợ may đồng thời cũng là chủ tiệm tạp hóa nhỏ có bán cà phê.  Mỗi buổi sáng tôi và vài người lính đến quán ngồi lơ đãng uống cà phê nghe nhạc.  Trong cõi thiên đường lặng lẽ đó tôi muốn quên hết những phiền toái và giòng sông bất trắc ngoài kia.  Thỉnh thoảng tiếng chim cu gáy từ một bụi cây nào đó vang lên gọi mái.  Ông già tóc búi củ hành ngồi đan lợp trước sân nhà bỏ việc nghiêng đầu nghe ngóng, miệng móm mém điếu thuốc vấn, chòm râu trắng rung rung.  

Tia nắng mai nghiêng xuống chỗ tôi ngồi ở đầu hiên nhà làm màu tím trên trang thư của Thy tươi hẳn lên.  Đã hơn nửa năm tôi chưa về thăm nàng.  Tôi nghĩ đến ngôi trường ven thành phố và Thy mảnh mai trên những chuyến xe lam đi về mỗi ngày.  Thy phân trần đôi khi cũng muốn xin về phố cho gần nhưng nghĩ lại tội mấy đứa học trò nên thôi.  Tết rồi, sáng mồng hai, bầy học trò tìm đến nhà chúc Tết cô giáo.  Khi bị hỏi làm răng biết được nhà cô mà tới, đứa học trò lớn nhất thú thật là đã đi xe lam theo cô về phố rồi đi lén theo sau để biết nhà.  Gần đây đứa học trò hiếu học đã khóc chào cô, bỏ trường, bỏ dở bài toán phương trình bậc nhất đầu tiên trong đời mà đi.  Người cha đã trở về bắt đứa con đi theo vào trong núi.  Những bài toán đố, chính tả, đã không ích lợi gì cho cách mạng.  Họ cần thêm một tay súng, một viên gạch lót đường.  Viên gạch cha.  Viên gạch con.   Mười lăm năm trước người cha đã trở về trong một canh khuya nào đó rồi đi.  Tội nghiệp bà mẹ giờ đây có thêm một người đàn ông nữa trong đời để khắc khoải ngóng trông. 

Thy viết, lần đầu tiên trong đời nàng đã cảm thấy một nỗi sợ hãi thật gần.  Sợ đến không ngủ được, khi nghĩ đến tôi đến đứa học trò mười bốn tuổi trong cuộc chiến tranh này. 

 Đoàn tàu ngóc cao đầu phóng như bay trên mặt nước bỏ lại sau lưng những đợt sóng bọt tung trắng xóa.  Từ xa, trong mưa chiều, vùng sông rộng giữa Tân Châu và Hồng Ngự cuồn cuộn từng vầng nước lai láng phù sa.  Trong một giây phút tôi chợt nghĩ tới vùng cửa biển Vũng Tàu ngày đầu theo chiến hạm ra khơi.  Ngoái nhìn bóng chim bay về phía Gò Công, bờ lau bãi sậy xao xác trong nắng chiều.  Lòng nửa rộn ràng về những ngày biển rộng sắp tới, nửa lòng kia đã vun ngập tiếc nhớ ngày vui phố xá... 

Bờ sông cao.  Con lộ tráng nhựa ôm vòng theo nhánh sông uốn quanh rồi mất hút sau dãy nhà nằm dọc theo bờ sông phía phố chợ.  Bên kia con lộ là bộ chỉ huy chi khu Hồng Ngự.  Lính gác cổng đứng co ro vì mưa sau hàng bao cát đắp cao ngang ngực.  Người sĩ quan hành quân từ bên trong chi khu bước ra hướng dẫn tôi vào phòng họp.  Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra vài khuôn mặt quen trong phòng.  Gần một năm trước tôi đã có dịp yểm trợ tiểu đoàn Biệt Động Quân này trong cuộc hành quân ở Tuyên Nhơn. Ông Tiểu Đoàn Trưởng chưa đến để bắt đầu buổi họp nên trong phòng có không khí của một câu lạc bộ dã chiến hơn là một phòng họp hành quân.  Tôi ngồi xuống cạnh Nhân, một trong những Đại Đội Trưởng của tiểu đoàn.  Chúng tôi quen nhau khá thân trong thời gian Liên Đoàn của Nhân đóng quân ở Phước Xuyên.  Ông Đại Đội Trưởng Biệt Động Quân có khuôn mặt hiền như con gái kể chuyện mấy tháng hành quân ở Chương Thiện và cái chết của ông Liên Đoàn Trưởng. 

Ông Đại Tá nổi tiếng về việc đi hành quân bất cứ ở đâu cũng có bà vợ đi theo.  Hồi đó tôi hay cười một mình khi liên tưởng tới hình ảnh ông Đại Tá, râu vểnh trau chuốt, trong phim Ngày Dài Nhất.  Quân đội Đồng Minh đổ bộ lên bãi biển Normandie, đạn bắn như mưa mà ông Đại Tá kiêu ngạo vẫn tỉnh táo với điếu xì gà trên miệng tay ôm con chó lông xù. 

Khi tôi ra khỏi phòng họp hành quân, trời đã tạnh mưa nhưng trần mây thấp vẫn sủng màu hơi nước.  Còn vài tiếng đống hồ nữa mới tới giờ chuyển quân.  Tôi cần một ly cà phê thật đậm để thức suốt đêm nay.

Chợ đã tan từ lâu. Những tiệm buôn e dè đóng cửa sớm vì lính tráng qua lại đông đúc.  Co ro trong bóng tối nhá nhem, khu phố chợ vẫn không dấu được vẽ trù phú của một quận lỵ giàu có ở cực Tây tỉnh Kiến Phong.  Lính Biệt Động nằm ngồi ngổn ngang trong nhà lồng chợ, dọc theo mái hiên của dãy tiệm buôn hay ngồi đầy nghẹt trong những quán ăn. Tôi gặp Nhân và vài sĩ quan bạn khác cũng đang đi tìm quán cà phê có nhạc.  Chúng tôi đi mãi về phía cuối phố mới tìm ra được một quán vắng khách.  Nhìn lũ người gươm đao, cô hàng cà phê cuống quít  mở lớn băng nhạc thật lính.  Tôi ở miền xa.  Trời cao đất lạ.  Nhiều đông lắm hạ.  Nuối tiếc đi qua.  Thiếu bóng đàn bà... Tôi lấy trong túi áo mấy cuộn băng nhạc cassette trao cho cô gái có đôi mắt trang điểm vụng về dưới lớp chì than đen đậm như bóng tối. 

Chúng tôi ngồi uống cà phê nghe nhạc và nghe Nhân kể chuyện năm đầu ở Võ Bị.  Phép cuối tuần, ra phố thèm được ngồi cà phê Tùng mà quán thì lúc nào cũng chật ních niên trưởng.  Sau vài tuần tức quá xâm mình vào đại.  Nhân cười.  Mẹ nó, chỉ một ly cà phê Tùng mà phải chào niên trưởng đến mỏi tay, tối về Trường còn bị quay dã chiến phờ phạc.

Từ quán Tùng, câu chuyện nổ giòn về những quán cà phê ở những vùng đất chúng tôi đã đi qua, thành phố chúng tôi đã sống những ngày trước lính.  Tiếng hát Lệ Thu lướt thướt giọng sầu vương theo gió đưa chúng tôi vào nỗi yên lặng tuyệt vời.  Nhắm mắt lại để thấy lòng bay theo tiếng hát... Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ.  Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa.  Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa.  Mộng về đêm đêm khát vầng trán ngây thơ...Nhắm mắt lại để nghe lòng ước muốn bay xa, bay cao khỏi biên giới con người đã áp đặt cho nhau.  Và chỉ để mở mắt ra buồn phiền biết được lòng mình đã từ lâu dừng lại bên lằn ranh của tục lụy tầm thường.  Cũng như dòng sông biên giới ngoài kia, quanh co và chẳng có một nhịp cầu.

                                                                                                    
2.

Tàu giang đoàn Xung Phong lố nhố đậu kín khoảng sông rộng trước chi khu.  Tiếng máy tàu chạy rầm rì, bóng người qua lại, đèn pha nhộn nhịp quét từng vệt dài trên mặt sông đã phá tan sự yên lặng cố hữu của đêm quận lỵ.  Tôi tìm gặp ông Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn để nhận tiêu lệnh hành quân và chỉ thị về việc dẫn đầu đoàn công voa.  Ông càu nhàu về sự chậm chạp của mấy chiếc tàu Quân Vận chở vật liệu cho căn cứ hỏa lực.  Mở rộng tấm bản đồ, nhìn giòng sông uốn quanh co, ông chỉ tay vào vị trí đổ quân rồi quay lại bảo người sĩ quan hành quân liên lạc với Biệt Động Quân để bắt đầu điều động việc chuyển quân lên tàu.   Giọng ông Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng từ máy truyền tin vang lên tự tin và kiêu hãnh.  Tôi nghĩ tới những sôi động của đêm dài sắp tới, mắt ráo hoảnh  vì ly cà phê phin đậm.

Trời lại đổ mưa.  Dòng mưa nhẹ bay nghiêng nghiêng nhạt nhòa trong vùng ánh sáng của hàng đèn đường chạy dọc theo con lộ dẫn xuống bến sông.  Ngoại trừ trung đội khinh binh đang đội mưa đi xuống tàu, phần lớn lính tiểu đoàn đã chạy ngược về núp mưa trong nhà lồng chợ hoặc dưới hàng hiên của dãy phố cửa đóng im lìm.  Bóng người sĩ quan trung đội trưởng và anh lính truyền tin đổ dài trên bãi sông rồi nhòa lẫn vào bờ nước đen thẳm. 

Chiếc tàu đầu tiên của giang đoàn Xung Phong vừa qua khỏi khúc quanh cuối vàm sông.  Tôi gọi máy cho các giang đĩnh rời bến.  Nhóm khinh binh cuối cùng đã xuống tàu.  Họ đứng ngồi lố nhố trước mũi.  Người thuyền trưởng lùi tàu nối đuôi đoàn giang đĩnh đang lầm lũi chạy ra giữa sông  làm thành vòng đai bảo vệ cho tiểu đoàn Biệt Động và đoàn tàu Xung Phong đang chuyển đội hình dàn hàng ngang ủi vào bãi sông. 

Túa ra từ trong bóng tối của nhà lồng chợ và mấy dãy hiên phố, từng trung đội lính Biệt Động với ba lô và súng trên vai, rảo bước về phía bến sông.  Màng sương mưa pha nét chấm phá hiền hòa lên khung cảnh chuyển quân hào hùng mà cô đơn.  Từ tần số hành quân những lệnh truyền qua lại, đích thân, đại bàng, alpha, zulu, thẩm quyền, Xray, papa... sang sảng hỗn độn. 

Dãy hiên phố và con lộ dẫn xuống bến sông giờ đây vắng lặng không còn một bóng người.  Cột ăng-ten truyền hình giăng mắc chằng chịt trên nóc khu phố chợ, trong quầng  sáng mờ mờ mưa bụi trông như một rừng cây mùa đông khúc khuỷu cành khô.  Toán lính cuối cùng của tiểu đoàn đã lên tàu.  Từng chiếc một, đoàn tàu sắt rời bến theo đội hình hàng dọc từ từ tiến về phía chúng tôi.  Đoàn tàu lầm lũi chạy sâu vào dòng sông biên giới, bỏ lại sau lưng bến sông khuya khoắc buồn thiu.  Hồng Ngự khuất chìm, xa lắc chân trời. 

Trên bản đồ, giòng sông biên giới dài gần hai mươi cây số chỉ là đường chỉ xanh quanh co như rắn.  Trong đêm mông lung giòng sông lan rộng, mặt nước lặng lờ chút ánh vàng từ nửa vầng trăng ướt trên cao.  Bờ sông thấp.  Những lùm cây nhỏ san sát ven sông chìm lẫn vào bóng đen của từng dãy rừng đước mọc sâu vào nội địa ngút ngàn.  Mỗi lần chạy qua một khúc sông uốn ngặt, nhìn ngang thấy bóng những khối sắt đen lớn nhỏ lầm lũi trôi, tôi nghĩ đến đàn trâu khổng lồ đang bơi về chuồng trong bóng chiều.  Sự liên tưởng làm tôi bất giác cười một mình.  Nếu đoàn tàu chiến trở thành đàn trâu, tôi sẽ vui biết bao được làm chú mục đồng.  Tôi sẽ thổi sáo và hát nghêu ngao, mắt no cánh diều bọc gió bay cao trong trời mơ.  Chú mục đồng, mặc cho ai chế diễu, sẽ từ chối tham dự trò chơi cờ lau tập chuyện chiến chinh... Chỉ là một phiếm mơ.  Giòng sông biên giới vẫn quanh co trước mặt.  Đoàn tàu chiến vẫn lầm lũi đi.  Tôi vẫn có nhiệm vụ đưa đoàn tàu đến đúng nơi đã được lựa chọn.  Sau đêm nay bãi sông vô danh sẽ trở thành một cứ điểm quân sự.  Sự lựa chọn đơn thuần mà chính đáng - hay ít ra đã theo đúng bài bản chiến thuật của những con mắt lính nhà nghề.  Cũng như tôi đã bằng lòng với sự lựa chọn của mình như một chấp nhận không thời thượng. 

Tuổi trẻ trong sáng, nhìn đời bằng đôi mắt ngây thơ.  Mùa hè năm sáu sáu, tôi cùng với bốn thằng bạn học trường Phan Châu Trinh khăn gói đón xe đò từ Đà Nẵng đi Lăng Cô ở lại mấy ngày để tìm hiểu chiến tranh, Việt Cọng và ...tắm biển.  Không gặp Việt Cọng, chỉ bị Cảnh Sát bắt vì tội cắm trại ngủ ngoài bãi biển vi phạm giờ giới nghiêm.  Ngủ bót một đêm sáng ra ông Cảnh Sát gởi năm đứa lên xe đò về lại Đà Nẵng.  Chuyến đi như một tiền đề cho những lựa chọn và ngăn chia sau này.  Đứa đi Thủ Đức chết trận, đứa đi Tây du học, đứa tốt nghiệp Võ Bị, đứa vô bưng. 

Có người cho rằng giống nòi ta đã quen sống chia lìa từ những ngày đầu mở nước.  Trong khói sóng mông lung của thời hoang sử  Tiên Rồng, tiền nhân đã phải bịn rịn kẻ đầu non người cuối biển để sống còn mà gầy dựng cơ ngơi cho cả một giống nòi. 

Biên giới hôm nay ngoài những dòng sông dãy núi đường mòn quan ải còn có sự ly tán trong mỗi con người.  Lòng nghi kỵ, mặc cảm, chủ thuyết, đã đào hào đắp lũy chôn chặt tâm hồn vào những hung ác, hẹp hòi.  Biên giới không là chút hờn sót lại bên bờ sông Gianh vì hai Chúa phân tranh ngôi xã tắc.  Biên giới không còn hình ảnh rõ ràng cách biệt như vùng giới tuyến ngang giòng sông Bến Hải chia cắt đôi bờ.  Một dòng sông. Một cây cầu với cái tên Hiền Lương tội nghiệp.  Bờ Bắc, bờ Nam. Cờ đỏ, cờ vàng.  Từ bờ Bắc giọng nói cao chát chúa ...xe cải tiến chạy trên mọi địa hình...giọng hát nghe như nhạc Tàu.  Từ bờ Nam giọng nói trầm hiền và tiếng hát thì buồn... Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc phai màu.   Biên giới hôm nay hoang mang những chọn lựa bên này bên kia, tàn khốc như định mệnh.  Quay cuồng trong đó có lũ người trẻ tuổi tay cùng vấy binh đao mà hồn nghĩ suy thì đôi bờ cách biệt. 

Bạn bè thân mỗi đứa một nơi.  Nghĩa ra trường Võ Bị, đóng quân ở Quảng Nam trên vùng rừng núi Quế Sơn.  Trong thư hắn vẫn bực tức khi nhắc tới ông bố của Hạnh.  Tao không thể tưởng tượng tới một cuộc sống không có bóng dáng Hạnh trong đó nhưng mỗi lần về Đà Nẵng thấy Hạnh phải lén Bố đi chơi làm tao tức điên lên.  Đ. mẹ, ổng theo Mặt Trận Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc, phe thứ ba thứ tư gì đó, mà không hòa được với con gái còn cấm không cho Hạnh để “thằng lính” đó vào nhà thì còn giải được gì, với ai.  Giọng thư Nghĩa dịu lại khi nhắc tới Tạo.  Lâu lắm tao mới tình cờ gặp lại nó ở cà phê Ngọc Anh.  Mấy ngày sau tiểu đoàn tao bị bao vây ở Trà Kiệu.  Đang chới với gọi máy xin không trợ thì Tạo với ba chiếc F5 từ Đà Nẵng lên oanh tạc giải vây kịp thời.  Không có nó, tiểu đoàn tao có lẽ đã bị tan hàng rồi.  Trước khi rời vùng Tạo còn gọi máy xuống bỡn cợt. Mầy với tao vậy là huề không nợ nần gì nhau nữa nghe... Tao suy nghĩ cả đêm mới hiểu ra.  Mầy còn nhớ năm Đệ Nhị,  một buổi tối thằng Tạo và thằng Tiến bị tụi trường Tây rượt đánh hội đồng, tụi mình đùng đùng bỏ lớp Anh Văn ở Hội Việt Mỹ chạy ra giải cứu.  Đám đánh lộn làm huyên náo cả khu đường Quang Trung.  Cảnh sát tới rượt bắt làm cả hai phe trường Ta trường Tây chạy trốn như vịt.

Đã xa rồi trò chơi chiến tranh vô hại của những ngày mới lớn.  Cuộc chiến thật sự thảm khốc như lửa tràn đã đẩy bạn bè đến những chiến trường xa trên từng góc quê hương điêu tàn.  Và đôi khi đến tận bên kia chiến tuyến oái oăm.  Thằng bạn với trái tim trong sáng nhiệt thành đã vì ảo tưởng nhất thời mà tự nguyện đồng hóa hoài bão mình với chiêu bài ngắn hạn, lén lút chủ thuyết giáo điều.  Tiến đi Thủ Đức, chết trận ở A Lưới.  Tôi đi tuần dương về Đà Nẵng nghĩ bến, được tin bạn thì đã quá trễ.  Hậu cũng chẳng may mắn gì hơn.  Từ Hải Lăng bôn ba về cũng chỉ kịp cùng tôi đứng im lìm cúi đầu nghe mẹ Tiến than khóc kể lể.  Buổi tối hôm đó, ngồi mãi ở quán Cuội cũng chán, hai đứa đi bộ dọc theo bãi biển Thanh Bình nói chuyện bạn bè.  Hậu cho tôi biết chuyện Xuân bỏ vô bưng và cô gái ngày xưa hắn vẫn lẽo đẽo theo sau những chiều tan lớp vừa trở thành qủa phụ. Trong đêm, ánh đèn xe chạy trên đèo Hải Vân nhỏ nhoi như sao xa. Như thân phận những người đang sống.

Mưa tan nhưng trăng khi mờ khi tỏ bởi những đám mây đen vần vũ đầy trời.   Từng bầy ô rô lục bình trôi ngược chiều làm thành vệt đen dài giữa sông chập chờn chút ánh nguyệt tà.  Tiếng hát từ chiếc máy cassette vang ra nhè nhẹ ... Đưa người ta không đưa qua sông. Sao có tiếng sáo ở trong lòng. Nắng chiều không thắm không vàng vọt.  Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong...

Giòng sông trước mặt uốn gấp về phía trái.  Trên bản đồ đây là khúc quanh cuối đoàn tàu phải chạy qua. Giòng sông tiếp tục chảy sâu về phía Tây khoảng hai cây số rồi uốn ngược về lại hướng Đông.  Ở đó, bờ sông phía Việt Nam như dáng mũi tên thọc sâu về phía nội địa Miên.  Địa thế rất thuận lợi cho một căn cứ hỏa lực tiền phương.  Tôi gọi máy báo cáo vị trí và xin chỉ thị bắn dọn bãi. 

Hằng ngàn vạn đường lửa chằng chịt lao vút vào bãi sông chi chít những lùm cây nhỏ. Tiếng súng đủ loại gầm thét khiến vùng sông yên tĩnh chợt trở thành bãi chiến trường hung hãn.  Hỏa châu treo lơ lửng trong trời đêm, nối tiếp soi sáng vùng tác xạ nằm im lìm thở khói.   Cánh dù trắng của những trái hỏa châu lịm tắt lao đao bay trong không gian mơ hồ.  Toán khinh binh ba lô trên vai, súng cầm tay, sẵn sàng đổ bộ.  Người sĩ quan Trung Đội Trưởng ra thủ hiệu cho toán lính tản rộng, dàn hàng ngang từ từ tiến vào mục tiêu.  Dưới ánh hỏa châu, bóng những người lính bộ binh cao ngạo và cô đơn như bức tượng trong thành phố. 

Đoàn giang đĩnh lùi xa ra để bảo vệ mặt hông cho đoàn tàu chở quân đang chầm chậm tiến vào bãi sông.  Lệnh truyền hành quân đổ bộ, sang sảng đích thân đại bàng lại vang lên hỗn độn trên máy truyền tin.  Tiểu đoàn Biệt Động rời tàu.  Họ nhanh chóng mở đội hình theo từng đại đội di chuyển về các vị trí đã định bên bờ vàm lạ hoắc nghi nan. 

Từ tàu chỉ huy từng trái hỏa châu rời rạc bắn cầm canh.  Như những mặt trời đêm quày quã đến rồi đi, ánh hỏa châu lung linh vài phút ngắn ngủi rồi vội vàng tắt ngấm.  Giữa hai thời điểm đó là bóng đen phủ chụp và sự  im lặng đầy đe dọa.  Trên nóc phòng lái ngửa mặt nhìn trời, tôi nằm chờ từng ánh hỏa châu mồ côi như  nỗi khát khao đã làm đôi mắt mình ráo hoảnh.  Trời đã quá nửa đêm về sáng.  Chẳng bao lâu nữa ánh bình minh sẽ rọi lên khắp vùng sông biên giới.  Rồi bóng hỏa châu sẽ không còn cần thiết nữa.  Có giọng hát mơ hồ như tiếng sóng xa. Giọt sầu rơi ướt hồn phiêu du... Tôi ngủ thiếp đi một lúc nào đó.

Phan thái Yên
(từ Mùa Trăng Ướt)

 

trở lại