NƯỚC CHÈ TÍM

 Tuấn Anh TRẦN TRỌNG HẢI  (HAIJ)     

 

     Trại tù cải tạo YÊN BÁI

     Miền thượng du Bắc Việt

     Tháng 4-1977

 Tay cầm con dao quắm, tôi cúi đầu bước theo các anh em bạn tù để vào rừng chặt nứa. Hôm nay trại tù cải tạo ra chỉ tiêu cho mỗi người chúng tôi phải chặt đủ năm mươi cây nứa. Nhóm của tôi gồm có hai mươi bảy người, chia làm mười ba cặp. Còn lẻ một mình tôi nên tôi đành phải độc hành. Nói tếu cho vui vậy thôi, chứ thực ra tôi thích đi một mình, ngoại trừ khi công việc bắt buộc phải có hai người như khiêng gỗ chẳng hạn. Những khi như vậy tôi thường đi cặp với Cung Trầm Tưởng vì chúng tôi rất thân nhau và hơn nữa sức khoẻ của tôi còn khá hơn anh nhiều. Mỗi lần đi cặp vác cây với anh, tôi đều giành phần gốc mặc dù anh cứ nằng nặc đòi bình đẳng. Thế rồi một hôm anh cất tiếng:

         - Cậu để tớ vác thử đằng gốc xem sao.

         Tôi đồng ý và cố tình đưa vai vác vào phía gần giữa thân cây còn Cung thi sĩ thì vác ở phía gốc. Anh đi trước còn tôi đi sau. Đi được một đoạn, Cung thi sĩ lên tiếng:

         - Ê, cậu xem, tớ cũng khoẻ như cậu, đâu có nặng gì mấy!

         Tôi đi phía sau chỉ im lặng tủm tỉm cười rồi nhẹ nhàng lùi vai về phía sau gần sát đầu cây gỗ.

         Chỉ chưa đầy ba giây đồng hồ, Cung thi sĩ lắp bắp:

         - Ê, ê… toa, sao nặng quá!

         - Muốn bình đẳng thì phải chịu nặng thôi, còn than chi nữa.

         Đùa cho vui         một chút chứ lúc đó tôi vội vàng nhích vai về phía giữa thân cây vì biết chắc anh không chịu nổi sức nặng của cây gỗ. Kể từ đó về sau Cung Trầm Tưởng không hề nhắc tới hai chữ bình đẳng nữa.

         Hôm nay chúng tôi đi chặt nứa thì anh nghỉ bệnh. Cơn bệnh của anh kéo dài đến gần hai tuần mà vẫn chưa khỏi. Anh bị cảm lạnh kể từ hôm anh nghe lời xúi dại của tôi lội qua con suối nước ngập đến tận cổ. 

         Đi rừng một mình là điều không nên vì rất nguy hiểm và nhất là không có người bên cạnh để giúp đỡ khi hoạn nạn. Nhưng tôi vẫn có cái thú đi một mình.

         Lần này cũng vậy, tôi lại độc hành.

         Vừa tới chỗ ngã ba quen thuộc, tôi bèn tách ra khỏi nhóm bạn để tiến sâu vào khu rừng nứa nằm khá sâu trong núi. Tôi đã nhiều lần vào khu rừng này để tìm gỗ, giang và nứa nên chỉ trong vòng hơn hai tiếng đồng hồ sau tôi đã chặt xong năm mươi cây nứa rồi bó lại thành hai bó. Thế là xong chỉ tiêu. Nhiệm vụ của người tù đã xong. Tôi bèn vác hai bó nứa ra ngoài bìa rừng, dựng bên vách núi để xế chiều sẽ mang về trại. Còn bây giờ thời gian còn lại là của riêng tôi.

         Lần theo con đường mòn dẫn sâu vào trong núi, tôi len lỏi đến bên đồi sắn của người Tày. Nhìn trước nhìn sau một lúc lâu không có ai, tôi lấy tay bới gốc sắn, chọn một củ nhỏ khoảng một gang tay, vặn đứt khỏi gốc rồi lấy tay vun đất lại cho mất dấu tích.

         Cứ thế tôi ăn sống. Tôi chỉ dám ăn củ nhỏ vừa đủ để cầm cự cái đói. Tôi không dám ăn nhiều vì biết trong sắn có chất độc, nhất là khi ăn sống. Khi vừa tạm no bụng, tôi tiếp tục lần theo con đường mòn dẫn tới một con suối mà tôi đã nhiều lần đặt chân tới. Tôi tự đặt tên cho con suối là Ngọc Tuyền! Thôi thì cứ thi vị hóa như vậy để thấy đời vẫn còn mầu hồng dù cho thân xác mình đang bị giam hãm  trong chín tầng địa ngục!

         Lúc này mặt trời đã lên cao. 

         Dòng suối trong suốt nhìn thấu tận đáy. Tôi bất chợt quên đi thân phận tù đầy và cảm thấy thân xác mình như đang hòa lẫn với thiên nhiên. Tôi cởi hết quần áo và từ từ bước xuống dòng suối. Nước mát lạnh làm tôi cảm thấy tinh thần sảng khoái. 

         Lần mò theo dòng suối, tôi hụp lặn trong cái vũng nước do con suối tạo thành vì dòng suối bị chận lại bởi một tảng đá rất lớn chắn ngang. Vũng nước khá lớn, đường kính khoảng năm thước và chiều sâu cũng vừa ngang tầm ngực. 

         Bất chợt tôi nhìn thấy một con tôm đang  di chuyển bên dưới những chiếc lá mục nằm sát gần bờ. Tôi nhẹ nhàng tiến lại đưa hai tay chụp bắt. Con tôm búng một cái biến mất. Tôi tiếc hùi hụi. 

         Thế rồi trong khoảnh khắc, bất chợt tôi nhớ tới những ngày sống trên các chiến hạm. Nhất là những ngày mới ra trường khi còn đeo lon Thiếu úy. Mỗi khi chiến hạm neo nghỉ bến tại các hải đảo Miền Trung hoặc những hải đảo miền Phú Quốc, tôi thường rủ nhân viên đi săn cá hoặc tôm hùm. 

         Tôi còn nhớ mãi lời anh Tô Văn Giốc khi đó anh là Người Nhái huấn luyện viên bơi lội tại trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Anh đã chỉ  dẫn chúng tôi cách bắt tôm hùm: 

Các anh phải nhớ là loài tôm, đặc biệt là tôm hùm, chúng rất tò mò. Do đó khi các anh lặn xuống sâu thấy chúng ở trong hang ló đầu ra thì đừng vội hành động gì cả. Các anh đợi một lúc rồi thật từ từ tiến lại gần. Lúc đó nó sẽ thụt vào trong hang. Các anh thọc cây cù ngoéo vào trong hang rồi để đầu móc câu nằm ngang và đừng động đậy gì hết. Các anh phải kiên nhẫn chờ, có khi tới mươi mười lăm phút. Khi nào thấy cái râu của nó ló ra khỏi hang ngoe nguẩy thì các anh nhẹ nhàng lấy đầu ngón tay cũng ngoe nguẩy chạm nhẹ vào râu của nó. Nó sẽ thụt vội vào trong, nhưng rồi nó sẽ từ từ tiến ra. Các anh cứ lập lại hành động như trên rồi từ từ lùi dần đầu ngón tay. Lúc này con tôm hùm sẽ lộ bản chất tò mò và tiến dần ra cửa hang để đưa những sợi râu cạ vào đầu ngón tay của các anh. Đến lúc này, chờ cho thân con tôm hùm trườn qua khỏi móc nhọn của cù ngoéo thì các anh vặn cái cù ngoéo chín mươi độ đồng thời đưa tay kia chụp lấy râu của con tôm hùm. Phản ứng tức thời của con tôm là búng thụt lùi, do đó mình của nó sẽ mắc vào móc nhọn của cù ngoéo”.

         Thế là tôi chợt bừng tỉnh khi nhìn kỷ lại những con tôm đang ngoe nguẩy cái râu, núp dưới những chiếc lá mục trong vũng nước này. Tôi ý thức được rằng mỗi con đều cần có một cái hang. Tôi bèn bụm bàn tay phải lại và từ từ di chuyển bàn tay về phía chiếc lá mục rồi hạ bàn tay xuống dần sát với chiếc lá. Con tôm liền búng mình ra khỏi chiếc lá. Tôi liền đưa bàn tay trái bụm lại và chận về phía lưng con tôm. Con tôm xoay mình tìm hướng búng, tôi cũng xoay bàn tay trái chận ở phía lưng của nó, đồng thời tay phải của tôi hạ dần xuống. Khi đó ánh sáng của mặt trời đã bị bàn tay phải của tôi che lại nên con tôm cứ tưởng là nó đang nằm trong hang. Tiếp theo, tôi di chuyển bàn tay trái lại gần với bàn tay phải. Hai bàn tay đều bụm lại. Con tôm nhúc nhích xoay chiều định búng. Tôi bèn di chuyển bàn tay phải sát xuống mặt đất để chặn hướng búng của nó, đồng thời bàn tay trái di chuyển lại gần với bàn tay phải. Kế tiếp tôi từ từ khép chặt hai bụm tay lại. Lúc này con tôm nằm gọn trong lòng hai bụm tay của tôi mà nó cứ yên chí là đang nằm trong hang nên không hề nhúc nhích. Thế là tôi có được một chú tôm. Tôi bèn đút ngay vào mồm nhai. Không phải tôi nhai ngấu nghiến đâu. Tôi nhai một cách từ từ và nhẹ nhàng để tận hưởng cái hương vị độc đáo của nó vì ban nãy tôi đã no một bụng sắn rồi. Cứ vậy, tôi bắt nốt ba con tôm còn lại trong vũng nước.

         Ăn xong bữa ăn thịnh soạn, tôi lại tiếp tục cuộc phiêu lưu lên phía đỉnh đồi. Những ngọn đồi thuộc vùng Ba Khe của tỉnh Yên Bái này đều đã được quy hoạch để trồng trà. Tuy nhiên có những ngọn đồi vì đất không được tốt nên người ta không khai quang để trồng trà, do đó ngọn đồi vẫn còn là cánh rừng bí hiểm và u tịch như ngọn đồi này.

         Lên đến đỉnh đồi, bất chợt tôi thấy một vùng đất bằng phẳng, diện tích khoảng một trăm mét vuông. Trên mảnh đất đó có khoảng năm mươi cây trà gốc lớn bằng cườm tay nhưng cằn cỗi và xác sơ có lẽ vì không ai chăm bón. Sau này tôi mới biết đó là những cây trà trồng thí nghiệm lúc ban đầu của nông trường trà Trần Phú.

 

         Lúc này mặt trời đã đứng bóng. 

         Bên cạnh mảnh đất trồng trà có một cây cổ thụ. Tôi bèn ngả lưng đánh một giấc bên cạnh gốc cây.

         Khoảng một tiếng đồng hồ sau tôi chợt thức giấc. Vừa vươn vai đứng dậy, tôi bất chợt trông thấy một nhánh cây con vươn cao lên khỏi lùm cây um tùm nằm sát ngay bên cạnh mảnh đất trồng trà. Tôi lại gần thì thấy đó chính là cây trà, cao khoảng hai mét nhưng thân của nó chỉ bằng ngón tay út. Có lẽ đây là cây trà hoang do những cây trà trồng thí nghiệm đơm hoa kết trái rụng xuống đất và bị mưa gió cuốn đi rồi nảy mầm và sinh trưởng. Có lẽ vì nguyên khí sinh tồn của cây trà này quá mạnh nên “gen” của nó đã biến đổi từ thân mộc chuyển sang thân thảo để có thể vươn lên cao nhanh hơn lùm cây bao phủ nó. Có lẽ vì vậy nên thân của nó rất nhỏ và mềm so với những cây trà bình thường.     

Tôi tiến lại gần cây trà lạ. Đọt của nó to và nhọn giống như đầu bút lông. Riêng chiếc lá kế tiếp cái búp đã to bằng hai ngón tay. Chiếc lá kế tiếp to gấp đôi. Chiếc lá thứ ba to bằng bàn tay. Tiếp theo, những chiếc lá bên dưới cũng to nhưng rồi nhỏ dần. 

         Tôi đưa hai ngón tay sờ chiếc lá thứ ba vì đó là chiếc lá to nhất. Mặt trên của lá hứng ánh sáng mặt trời nên có mầu xanh, mầu xanh của những lá trà bình thường. Nhưng khi tôi lật mặt dưới của chiếc lá này thì tôi bất chợt sửng sốt. Mặt dưới của lá có mầu tím giống như mầu tím của lá mơ tam thể (lá thúi địt). Tôi đưa đầu ngón tay rà trên mặt sau chiếc lá và cảm thấy mịn như nhung vì ngoài mầu tím, mặt sau chiếc lá còn có một lớp lông măng giống như lông măng của lá mơ nhưng dầy hơn và mượt hơn. Tôi liền đưa tay ngắt lấy đọt trà và năm chiếc lá rồi đảo mắt nhìn quanh xem còn cây trà nào khác giống như vậy không. 

         Chỉ trong vòng hai mươi mét chu vi, tôi hái thêm được 9 chiếc lá của ba cây trà giống như vậy nữa. Trong lòng hân hoan mãn nguyện, tôi thấy buổi lãng du hôm nay thật thú vị và nóng lòng về trại để kể lại sự việc cho Cung Trầm Tưởng nghe.

         Ra đến ngoài bià rừng, tôi nắm tay bóp nát hai mươi chiếc lá trà rồi nhét sâu vào đầu ống nứa. Tôi phải làm như vậy vì nếu để trong túi áo hoặc túi quần sẽ phồng lên, khi đi qua trạm gác những tên gác cổng sẽ nghi và khám xét, lúc đó hậu quả sẽ khôn lường, có thể bị cùm như chơi vì cai tù sẽ buộc tội ăn cắp tài sản Xã Hội Chủ Nghĩa.

         Về đến trại, vừa qua khỏi cổng tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi lấy dao chặt đoạn ống nứa đựng lá trà với cung cách làm ra vẻ như chặt ống nứa để làm tăm xỉa răng. 

         Vừa bước vào trong lán, tôi tìm Cung Trầm Tưởng và hỏi anh cho mượn cái lon “”. Đó là cái lon dùng để đựng sữa bột dành cho em bé mà đa số chúng tôi mang theo để đựng nước uống. Cái lon có dung tích khoảng một lít. Tôi vội nhét nắm lá trà nát bấy vào lon gô rồi tất tả đi xuống nhà bếp để xin nước sôi. 

         Thật là xui xẻo. Nước sôi vừa mới hết mà bếp cũng đã tắt rồi. Anh bạn nấu bếp nói:

         - Nước đang sôi thì hết nhưng còn một ít dưới đáy chảo chắc cũng khoảng chín mươi độ. Anh xem nếu dùng được thì lấy.

         Tôi đành múc nước đổ vào gô.

         Về đến chỗ nằm trong lán, tôi thấy Cung Trầm Tưởng kêu mệt và ngồi tựa lưng vào vách. Tôi đến bên cạnh và đặt gô nước gần bên anh. Khoảng mười phút sau tôi mở nắp gô, một mùi hương thơm lạ phảng phất bay theo hơi nước. Tôi rót ra hai cái bát. Cặp mắt Cung Trầm Tưởng bỗng nhiên nheo lại:

         - Cái gì thế này! Nước gì mà tím ngắt vậy?

         - Thì nước chè tươi chứ gì nữa!

         Thắc mắc vậy chứ hai người chúng tôi đều cầm hai bát nước lên uống.

         Một vị ngọt dịu pha lẫn mùi hạnh nhân thấm vào cổ họng. Tôi và Cung Trầm Tưởng cả hai đều buột miệng:

         - Ồ!

         Ngồi nhâm nhi khoảng mười lăm phút, tôi rót nốt chỗ nước còn lại vào bát Cung Trầm Tưởng. Anh uống hết một hơi rồi khà một tiếng sảng khoái.

         Chưa đầy năm phút sau, Cung Trầm Tưởng vuôn vai bước xuống đất rồi bước tới bước lui một cách hùng dũng:

         - Thần dược, thần dược!

         Quả thực bát nước chè tươi mầu tím đó có tác dụng thật thần kỳ. Tôi cảm thấy người tràn đầy sinh lực, tinh thần sảng khoái. Tôi hỏi Cung Trầm Tưởng, anh nói anh cũng thấy hệt như tôi.

         Thế là mấy hôm sau, có dịp vào khu rừng nứa nơi có đồi trà hoang, tôi soạn lại bổn cũ. Về đến trại, may mắn có nước đang sôi, tôi liền hãm một gô. Nhưng khi rót nước chè ra bát thì thấy khác hẳn lần trước. Lần này nước chè có mầu tím lợt pha lẫn với mầu xanh vàng chứ không tím đậm như lần trước và đặc biệt không ngửi thấy mùi hạnh nhân.  Đúng là bát nước chè xanh giống như những  bát nước chè xanh bán ở ngoài quán nhưng có điều vị của nó chát hơn lần trước. 

         Tôi hết sức ngạc nhiên và thất vọng. Không hiểu tại sao lại có chuyện khác nhau giữa hai lần. Đặc biệt lần này mất đi mùi hạnh nhân!

         Thế rồi khoảng hai tuần lễ sau tôi có dịp lên đồi trà hoang lần nữa để tìm hái những chiếc lá trà đặc biệt. Lần này tôi lấy nước sôi rồi để cho nguội bớt khoảng chín mươi độ mới đổ vào gô.

         Vưà rót ra hai cái bát, tôi và Cung Trầm Tưởng đều bất chợt la lên:

         - À! Có thế chứ!

         Hai bát nước chè tươi mầu tím với hương thơm thoang thoảng mùi hạnh nhân: Cái mà chúng tôi đang chờ đợi!         

         Khoảng mười ngày sau tôi lại có dịp lên lên đồi trà hoang. Lần này khi về đến gần cổng trại tôi tìm cách nhét những chiếc lá trà mà tôi cố tình giữ nguyên vẹn cất dấu vào chung quanh cạp quần. Tôi ráng thót bụng để điều chỉnh áp lực cho khỏi dập những chiếc lá trà quí hiếm. Thoát qua khỏi cổng, vào đến bên trong lán, những chiếc lá trà vẫn còn nguyên vẹn không bị dập nát như những lần trước. Tôi hí hửng và hy vọng một kết quả tốt đẹp hơn. 

         Nhưng lần này nước chè tươi mặc dù vẫn có mầu tím lợt nhưng tự nhiên mất hẳn mùi hạnh nhân, và ngược lại nước chè có vị chát hơn.

         Tôi hết sức thắc mắc nhưng rồi sau đó cũng quên đi vì không còn tìm đâu ra lá trà đặc biệt có mặt sau đầy lông tơ mầu tím. Nhưng dù sao nước chè tím cũng đã gây cho Cung Trầm Tưởng và tôi những ấn tượng mạnh mẽ. Vì vậy thời gian kế tiếp sau đó tôi thường ghé qua những đồi trà của nông trường trà Trần Phú để hái trộm những lá trà tốt nhất đem về pha uống.

         Thế rồi sau nhiều lần thực nghiệm tôi mới đi đến kết luận: Lá trà tươi của những cây trà bình thường phải được vò nát trước khi chế nước sôi. Nếu pha với nước sôi một trăm độ thì mất mùi hạnh nhân nhưng nước chè đậm đà và chát hơn. Nếu pha với nước sôi chín mươi độ thì nước chè sẽ có mùi hạnh nhân nhưng mất đi vị chát và đậm đà. 

         Một điều đáng nói là tất cả những lá trà bình thường bán ngoài chợ dù pha với nước đang sôi hoặc để nguội khoảng chín mươi độ cũng đều cho nước mầu xanh lợt hoặc vàng chứ không hề có mầu tím. Riêng chỉ có những lá trà hoang, thân thảo mà tôi tìm được trên đồi trà hoang Trần Phú; những chiếc lá trà mà mặt sau mầu tím thẫm và có lông tơ thì những chiếc lá đó mới cho nước chè mầu tím mà thôi.

         Sau khi khám phá ra điều đặc biệt về những lá trà này, tôi chợt nhớ tới những sự việc liên quan mà từ nhỏ tôi hằng thắc mắc nhưng chưa hề được giải thích. 

         Tôi nhớ hoài những buổi theo mẹ đi chợ làng quê. Tôi nhớ hoài những hình ảnh cô bán lá trà tươi. Lá trà tươi được bán theo rổ. Rổ được dùng làm đơn vị đo lường. Sau khi thoả thuận giá cả, cô bán hàng bốc một nắm lá trà bỏ vào rổ rồi cơi lên cho đầy có ngọn. Người mua đổ lá trà vào thúng của mình rồi trả lại rổ cho cô bán hàng đồng thời nói một câu: “Thêm nhé”. Vưà dứt lời, người mua gồng bàn tay, ngón cái cong lên cùng với bốn ngón kia làm thành một gọng kềm rồi nhanh nhẹn thọc sâu vào thúng lá trà của người bán hàng bóp thật chặt một nắm thật lớn. Thế là cô bán hàng kêu toáng lên. Nhưng tiếng kêu chỉ để lấy lệ, vì cô bán hàng vội vàng lấy hai bàn tay gồng lên bóp chặt những lá trà nằm hai bên mép bàn tay cứng ngắc của người mua. Thế là hai người giằng co nhau một hồi làm nát bấy nắm lá trà. Sau cùng người mua cũng còn được nguyên một mắm lá trà nát bấy trong tay. Số lượng lá trà nát này cũng gần tương đương với số lượng lá trà mua chính thức.

         Đến bây giờ tôi mới chợt ý thức được về truyền thống pha nước chè tươi của hầu hết người dân Miền Bắc là vò dập lá trà trước khi đổ nước sôi.

         Có lẽ vì đằng nào lá trà tươi cũng cần phải bóp cho dập nát trước khi pha để có được cái vị chát và đậm đà của bát nước chè xanh, do đó mới nẩy sinh ra cái tục “thêm”  và giằng co khi mua bán lá trà.                                                                                                                                                                                                                             Tuấn Anh TRẦN TRỌNG HẢI  (HAIJ) 

Trở lại